Tôn giáo và những ý tưởng tự do
trong sinh hoạt ngày nay tại Việt Nam

2005.08.10

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam hiện là đề tài gây được sự quan tâm theo dõi của dư luận cả trong và ngoài nước.

Điều mong ước của tôi là tất cả mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, dám mạnh mẽ nói lên sự thật, nói lên những gì mà lương tâm của mình đòi hỏi, và cũng dám làm những gì mà lương tâm của mình đòi hỏi.

Vậy, "Tôn giáo và những ý tưởng tự do trong sinh hoạt ngày nay tại Việt Nam" với cái nhìn của những người Việt ở bên trong và bên ngoài ra sao?

Mời quí vị theo dõi cuộc Hội Luận do Việt Hùng điều hợp với khách mời là Giáo sư Nguyễn Chính Kết, từng giảng dạy bộ môn thần học tại thành phố Hồ Chí Minh và Giáo sư Ðỗ Mạnh Tri, nguyên chủ bút tờ Tin Nhà tại Paris - Pháp quốc, người thường xuyên quan tâm theo dõi về những sinh hoạt tôn giáo tại quê nhà.

(xin theo dõi toàn bộ cuộc hội luận trong phần âm thành phía trên)

Việt Hùng: Trước khi bắt đầu câu chuyện, nhân sự kiện vào trung tuần tháng 8 tới đây thì tại Cộng Hòa Liên Bang Đức có khai mạc đại hội Công Giáo trẻ thế giới. Câu hỏi đầu tiên xin được đặt ra với giáo sư Nguyễn Chính Kết, trong bối cảnh mới, trong thời đại mới giới trẻ hiện hay thì chú trọng nhiều tới vật chất vậy thì đời sống tâm linh trong giới trẻ tại Việt Nam và đặc biệt là giới trẻ Công Giáo thì giáo sư ghi nhận như thế nào ạ?

GS Nguyễn Chính Kết: Về đời sống tâm linh của giới trẻ, nói chung trong xã hội Việt Nam vẫn luôn luôn có những Giám Mục, linh mục quan tâm đến đời sống tâm linh của giới trẻ, nhưng số đó so với tổng số thì không nhiều lắm. Mà nếu có sự quan tâm thì sự quan tâm đó vẫn chưa thật sự vượt qua được tầm mức thấp nhất là giúp cho giới trẻ giữ đạo. Nghĩa là đi lễ, chịu các Bíp Tích, tham dự những ghi thức phục vụ v.v... được như vậy thì cũng đã khá lắm. Còn tầm mức cao hơn là giúp họ cảm nhận về Thiên Chúa, kinh nghiệm những chân lý cao sâu trong tôn giáo để họ có sức mạnh hầu dấn thân phục vụ tha nhân, xã hội thì ít được quan tâm hơn. Hiện nay thì người ta còn thấy các vị rất còn quan tâm chủ yếu đến những hình thức bên ngoài của tôn giáo như là xây dựng các cơ sở vật chất, xây nhà thờ nhà xứ cho khang trang là các vị đã cảm thấy thành công và hài lòng rồi, khi thấy người giáo dân đi lễ thật đông hơn là đi vào chiều sâu là đào tạo con người tâm linh bên trong có động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ yêu thương tha nhân và dấn thân phục vụ xã hội, có dũng khí để dám sống thật, nói thật, dám làm chứng cho sự thật cho công lý và tình thương.

Tôi nghĩ tình trạng này một phần là do ý thức về vấn đề này chưa cao trong nội bộ của giáo hội. Một phần là do nhà nước kiểm soát chặt chẽ về vấn đề bổ nhiệm nhân sự.

Việt Hùng: Như vậy thì với cái nhìn của giáo sư Đỗ Mạnh Tri từ bên ngoài thì giáo sư có chia sẻ những điều mà giáo sư Nguyễn Chính Kết vừa mới trình bày hay không ạ?

GS Đỗ Mạnh Tri: Đối với giới trẻ tại Việt Nam cũng như giới trẻ bên Âu Châu này, vấn đề của những người lo hướng dẫn về tinh thần là làm sao đọc được các dấu chỉ của nhu cầu về tâm linh nơi giới trẻ. Nhu cầu tâm linh nó thể hiện theo một kiểu khác trong cách đi dự các hội nhạc hay những chơi bời vui thú khác. Theo tôi nghĩ, mình phải cố tìm ra, tìm được ngôn ngữ nào để cho nhu cầu tâm linh đó nó có lối thoát.

Việt Hùng: Trở lại đề tài tôn giáo và những ý tưởng tự do trong sinh hoạt ngày nay tại Việt Nam, một cách tổng quát nói riêng với những tín đồ Công Giáo La Mã tại Việt Nam được đánh giá như thế nào? Mời giáo sư Nguyễn Chính Kết ạ?

GS Nguyễn Chính Kết: Nếu cứ dựa vào những lời tuyên bố của ông Phan Văn Khải khi ông chu du ở Hoa Kỳ, người ta tưởng rằng sau chuyến đi ấy thì tình hình tự do tôn giáo sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng theo nhận xét của tôi thì tôi cũng chưa thấy có một tiến bộ nào đáng kể, dường như ông ta chỉ nói cho qua chuyện để đạt được những mục đích ngoại giao thôi chứ không có một giá trị sự thật nào. Ngay khi ông ta ở Mỹ và sau khi ông ta về vẫn có những cuộc đàn áp tôn giáo, cấm đoán thờ phượng, dẹp bỏ những nơi thờ phượng và vẫn lấy cớ tôn giáo chưa đăng ký để cấm sinh hoạt tôn giáo v.v...

Riêng với giáo hội Công Giáo thì tình hình tự do tôn giáo tôi thấy tương đối khả quan hơn các tôn giáo khác vì đường lối của các giám mục Việt Nam tương đối mền dẽo.

Việt Hùng: Từ bên ngoài giáo sư Đỗ Mạnh Tri...

GS Đỗ Mạnh Tri: Nói chung ở ngoài này nhìn vào đối riêng về Công Giáo được nhiều dễ dãi hơn trước. Về phương diện đó có thể nói rằng có được, xử dụng chữ "được" đó, được phép tự do hơn. Cái đó là có. Nhưng vấn đề chính là quyền tự do thì dĩ nhiên là không có rồi. Nghĩa là không có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo là quyền làm chuyện này chuyện nọ, rồi tôi làm hay không làm. Chẳng hạn tôi được phép vào chủng viện hay là tôi được phép truyền chức linh mục, nọ kia. Tôi có truyền hay không là chuyện của tôi, tôi có vào chủng viện hay không là quyền của tôi. Cái quyền đó, tôi để đó, tôi muốn dùng hay không dùng cũng là cái quyền của tôi. Cái quyền đó không thể có ở Việt Nam với chế độ hiện tại.

Việt Hùng: Vâng, thưa giáo sư Đỗ Mạnh Tri, người ta ghi nhận là trong thời gian qua, trong khuôn khổ sinh hoạt mang tính toàn cầu của giáo hội Cộng Giáo nói chung, nhà nước Việt Nam đã đồng ý cho nhiều phái đoàn từ Việt Nam đi ra bên ngoài. Phải chăng đó là cái cởi mở từ phía chính quyền đối với những sinh hoạt của người công giáo nói riêng hay không ạ?

GS Đỗ Mạnh Tri: Vâng, cụ thể là nó có như vậy, nhưng ý nghĩa của nó như thế nào là chuyện khác anh ạ. Nhà nước họ cởi mở hơn là vì sao. Là vì sức ép bên trong và bên ngoài, nhất là bên trong là vì sức sống của cộng đoàn Công Giáo họ không dập tắt được thì họ phải chịu để cho như vậy. Đấy là họ nhượng bộ vì sức ép, chứ không phải là họ muốn như vậy. Mà thật ra chỗ nào họ không cần nhượng bộ thì họ đập thẳng tay. Chưa nói về các giáo phái khác, chẳng hạn như Mennonite, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hay là Giáo Hội Hòa Hảo vừa qua.

Việt Hùng: Dạ vâng, chúng tôi cũng chỉ muốn trao đổi trong khuôn khổ chú trọng chủ yếu tới Công Giáo...

GS Đỗ Mạnh Tri: Vâng, ngay về Công Giáo tại các nơi hẻo lánh thì họ đàn áp thẳng tay.

Việt Hùng: Bằng thực tế và những kinh nghiệm của mình từ Việt Nam thì mời giáo sư Nguyễn Chính Kết ...

GS Nguyễn Chính Kết: Vấn đề sinh hoạt mang tính quốc tế do giáo hội Công Giáo La Mã tổ chức thì nhà nước Việt Nam có đồng ý cho nhiều phái đoàn Việt Nam đi tham dự. Quả thật là có sự dễ dàng đó. Nhưng tất cả những chuyện dễ dàng đó tôi nghĩ phần lớn là kết quả của cuộc tranh đấu của dân chúng trong và ngoài nước cũng như là của áp lực quốc tế trên nhà nước Việt Nam chứ tôi không nghĩ đó là sự thành tâm của nhà nước muốn cho dân chúng được tự do. Vã lại việc cho các phái đoàn đi tham dự đó thì nó liên quan đến cái vỏ bên ngoài của tự do tôn giáo thôi. Nhà nước cũng muốn chứng tỏ có tự do tôn giáo qua cái vỏ bên ngoài ấy.

Việt Hùng: Một trong những việc người ta thấy trong thời gian vừa qua, việc bổ nhiệm hàng giáo phẩm của tòa thánh Vatican, của Hội đồng giám mục Việt Nam hiện nay có còn gặp những trở ngại như người ta thường thấy so với những năm trước kia hay không?

GS Nguyễn Chính Kết: Tôi vẫn chưa thấy có sự tiến triển nào đáng kể, cụ thể nhất là qua việc Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt phong chức cho hai linh mục tại Hà Nội. Nhà nước cố tình không cho phép phong chức bất chấp về phía giáo hội đã làm đầy đủ những thủ tục cần thiết. Tuy nhiên tôi rất nể phục giám mục Ngô Quang Kiệt đã dám hành xử đúng theo quyền lợi mà luật pháp nhà nước đã qui định. Luật pháp đã qui định như thế nhưng nhà nước lại chà đạp lên chính luật pháp đó. Nếu các giám mục không dám sử cái quyền mà luật pháp đã dành cho mình thì tôi nghĩ là thật là yếu kém và tỏ ra có vẻ thiếu dũng khí.

GS Đỗ Mạnh Tri: Theo tôi họ vẫn, trong việc thuyên chuyển như việc phong chức về phía giáo hội Công Giáo đối với phía chính quyền vẫn chưa có đường lối rõ ràng để khẳng định quyền tự do tôn giáo của mình.

Việt Hùng: Như vậy là về phía mình giáo sư Nguyễn Chính Kết cũng như giáo sư Đỗ Mạnh Tri cho rằng không có một biến chuyển nào trong việc chính quyền cho Hội đồng Giám Mục Việt Nam sử dụng quyền của mình để bổ nhiệm hoặc tấn phong hàng giáo phẩm tại Việt Nam, phải chăng như vậy không ạ?

GS Đỗ Mạnh Tri:P háp lệnh tôn giáo mới ra đây thì không có đề cập tới chuyện là phải xin phép phong chức linh mục. Thành ra Đức Cha Ngô Quang Kiệt sau khi trình báo là họ không cho phép thì mình cứ làm thôi. Xét về pháp lệnh tôn giáo thì tôi thấy có sự biến chuyển, đó là không đòi buộc phải xin phép. Và chính giám mục Ngô Quang Kiệt đã sử dụng quyền đó.

Việt Hùng: Về việc chủng sinh so với trước đây thì giáo sư Nguyễn Chính Kết, giáo sư ghi nhận như thế nào ạ?

GS Nguyễn Chính Kết: Về vấn đề chúng sinh được gia nhập và được phong chức thì tôi thấy dường như có sự tiến bộ. Tức là gần đây thì có nhiều linh mục được thụ phong hơn. Tuy nhiên về vấn đề giáo dục, về đào tạo trong các chủng viện thì tôi nghĩ là các chủng viện chưa được tự do mời những người có tài đức theo đúng tiêu chuẩn của mình để vào chủng viện đào tạo chúng sinh vì còn bị lệ thuộc về quyền veto hay là phủ quyết của nhà nước. Nhà nước có đồng ý cho người nào vào chủng viện đào tạo chúng sinh thì người ấy mới được vào thôi.

Việt Hùng: Đó là bằng kinh nghiệm của giáo sư khi mà trước đây giáo sư đã từng giảng dạy ở các chủng viện. Thế còn hiện nay tình trạng đó còn bị những điều như là veto như giáo sư vừa trình bày hay không ạ?

GS Nguyễn Chính Kết: Tôi xin đính chính là tôi chỉ dạy trong các nhà dòng thôi, tức là các tu viện thôi chứ không phải là ở trong các chủng viện. Nhưng tôi được biết đặc biệt là các chủng viện thì những người vào trong đó dạy thì chủng viện phải đăng ký với nhà nước và nếu nhà nước không đồng ý thì không được dạy ạ.

Việt Hùng: Thưa giáo sư Đỗ Mạnh Tri và giáo sư Nguyễn Chính Kết vì thờihạn của cuộc trao đổi xin được đặt câu hỏi cuối cùng với cả hai. Ðể có một lời tiên đóan về tiến trình bang giao giữa tòa thánh Vatican và Hà Nội.

GS Đỗ Mạnh Tri: Tôi thấy rằng việc bang giao chính thức giửa Vatican với Hà Nội là việc rất có thể xảy ra khá sớm. Nếu mà xảy ra được thì tôi thấy có được điểm hay là sẽ xảy ra trước khi có bang giao chính thức giữa Vatican và Bắc Kinh. Nếu mà xảy ra được như vậy thì tôi thấy rất là vui bởi vì đấy là chuyện khá đáng chú ý bởi vì mình phải công nhận nước mình là nước nhỏ mà Vatican khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì thường thường họ phải thiết lập với Bắc Kinh trước rồi mới với Hà Nội sau.

Việt Hùng: Về phía mình thì từ Việt Nam thì mời giáo sư Nguyễn Chính Kết ạ.

GS Nguyễn Chính Kết: Tôi nghĩ là việc bình thường hóa quan hệ giữa Vaticanvà Hà Nội sẽ được thực hiện sớm thôi. Đây là điều đáng mừng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Điều quan trọng tôi mong muốn, đó là sự thành tâm của nhà nước Việt Namđ ối với quyền lợi của dân chúng nói chung và của các tôn giáo nói riêng. Nếu mà không có sự thành tâm ấy thì kết quả của sự bang giao này sẽ là những đổi chác về quyền lợi mà thôi. Tôi cho anh cái này để anh cho tôi cái kia. Giống như câu tục ngữ của Latin là "Tôi cho để anh cho".

Việt Hùng: Vâng, xin thay mặt quý thính giả của đài, xin cảm ơn giáo sư Đỗ Mạnh Tri và giáo sư Nguyễn Chính Kết đã dành thời giờ cho cuộc hội luận ngày hôm nay.

GS Nguyễn Chính Kết: Tôi cám ơn quý thính giả đã theo dõi cuộc hội luận này, điều mong ước của tôi đó là tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài nước dám mạnh mẽ nói lên sự thật, nói lên những gì mà lương tâm của mình đòi hỏi và cũng dám làm những gì mà lương tâm mình đòi hỏi.


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________