Việt Tide phỏng vấn
giáo sư Nguyễn Chính Kết

“Dân chủ là một giá trị vô cùng cao quý,
tôi sẵn sàng đổi bằng ngay cả mạng sống của mình”.

LTS: Thưa quý thính giả, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) đã bế mạc tại Hà Nội cuối tuần vừa qua. Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thế giới tham dự Thượng đỉnh khi đến Việt Nam chỉ nhìn thấy những hình ảnh hào nhoáng bề ngoài do chế độ cộng sản Hà Nội đã bỏ nhiều năm tháng để tô vẽ, mà không hề biết đến đời sống nghèo khổ của dân chúng tại nông thôn, nhất là không hay biết gì về chính sách côn đồ của chế độ đối với những người can đảm đấu tranh cho dân chủ.

Theo tin của các hãng thông tấn AFP và DPA, hầu hết các nhân vật tranh đấu, được thế giới biết đến qua những hoạt động vì dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, đã bị chế độ Hà Nội liên tục đàn áp trong nhiều tuần lễ trước khi APEC khai mạc. Những người đấu tranh dân chủ đã tỏ ý bất mãn trước điều mà họ cho là sự làm ngơ của Tổng thống Bush trước tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam. Một tù nhân lương tâm được thả khỏi nhà giam nhân dịp đặc xá mồng 2 tháng 9 vừa qua là bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị công an đánh đập thô bạo đúng ngày khai mạc APEC. Một cuộc biểu tình mà phần lớn những người tham dự là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, dự định thực hiện ở Sài Gòn vào ngày thứ Hai đã bị công an dùng vũ lực dẹp tan ngay từ ngày Chủ nhật. Bà Bùi thị Kim Ngân, vợ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình hiện còn bị giam trong tù, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do: "Công an nói thẳng là tôi không được đi bất cứ đâu và cũng không ai có thể đến gặp tôi được và người ta cấm tuyệt đối không cho tôi ra ngoài. Họ còn đe dọa nếu phái đoàn của Mỹ đi qua, tôi thò mặt xuống lòng đường sẽ bị họ bắn bỏ." Trong khi đó, tin tức từ Phòng thông tin Phật giáo Quốc ngoại ở Paris cho biết, Thượng tọa Thích Viên Định, trụ trì chùa Giác Hoa ở quận Bình Thạnh, cũng là Phó Viện trưởng Viện Hoa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị công an cấm gặp các phái đoàn ngoại quốc dự Hội nghị APEC. Công an còn trục xuất hai thượng tọa Thích Thiện Minh và Thích Chơn Tâm; cả hai vị sau khi ở tù về hiện đang tá túc tại chùa. Còn ở Hà Nội thì Ni cô Thích Nữ Đàm Thoa, người đã cùng với nhiều dân oan nộp đơn yêu cầu chính quyền trả lại nhà đất mà chính quyền tịch thu của họ, đã bị bắt hôm 14.11.2006 và bị đưa về giam giữ tại Trại Bảo trợ Xã hội tỉnh Bắc Giang, là trại giam nổi tiếng tàn ác về vụ đánh đập các nhà sư trong vụ "Trộm tượng cổ" gây chấn động dư luận báo chí trong nước mấy tháng trước đây. Ni cô Thích Nữ Đàm Thoa trụ trì chùa Tân Liễu ở Bắc Giang, chùa đã bị chính quyền địa phương tịch thu.

Sáng thứ Ba, ngày 21 tháng 11, biên tập viên Đinh Quang Anh Thái đã liên lạc được giáo sư Nguyễn Chính Kết, một thành viên phong trào dân chủ Việt Nam hiện sống ở Sài Gòn và được giáo sư Kết dành cho cuộc phỏng vấn sau đây.

-Việt Tide: Giáo sư nghĩ sao về hành động đàn áp của chế độ đối với những người dân chủ tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, khi Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Hà Nội?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Hành động ngăn cấm của công an đối với những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, không cho họ gặp các nhà lãnh đạo thế giới dự APEC cũng như gặp giới truyền thông quốc tế, cho thấy chế độ không muốn tin tức của phong trào dân chủ tại Việt Nam lọt được ra bên ngoài. Nhất là lọt vào tai nguyên thủ của các quốc gia đến Việt Nam dự APEC. Chế độ thừa biết là nếu tin tức của phong trào dân chủ được thế giới biết đến thì rất bất lợi cho chế độ.

-Việt Tide: Bản thân của giáo sư đã bị những hành động ngăn cấm nào của công an?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Trong thời gian họ chuẩn bị khai mạc APEC, tôi bị công an theo dõi rất gắt gao. Số công an đóng chốt trước cửa nhà tôi đông hơn thời gian trước. Vào những ngày diễn ra APEC, nhất là một ngày trước khi Tổng thống Bush từ Hà Nội vào Sài Gòn, số công an mặc sắc phụcï và công an chìm bao quanh nhà tôi trong phạm vi 100 thước lên tới 30 người. Chiều Chủ nhật, tức ngày 19, vừa ra khỏi nhàchưa đầy 20 thước để đi lễ nhà thờ, tôi bị công an chận lại. Họ yêu cầu tôi quay về nhà. Ngay khi tôi quay về nhà, một công an khu vực đến gặp tôi và nói rằng, tình hình rất căng thẳng vì công an phải bảo vệ một phái đoàn dự APEC nên không thể cho tôi ra khỏi nhà.

Tối hôm đó, tôi và luật sư Lê Thị Công Nhân ở Hà Nội có một cuộc nói chuyện bằng điện thoại với vài nhà báo ngoại quốc ở Sài Gòn. Đáng lẽ có cả anh Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn tham dự nhưng anh Hải trên đường đi đến công viên ở Phú Nhuận để tập thể duc thì bị công an bắt giữ đưa về tru sở công an. Anh Hải bị giữ tại đó đến hơn 11 giờ khuya.

Cách đây vài tiếng đồng hồ (trước khi trả lời phỏng vấn của Việt Tide), tức là hai ngày sau khi Tổng thống Bush đã rời khỏi Việt Nam, lúc 5 giờ chiều, tôi ra khỏi nhà và vừa đến Ngã Sáu ở Gò Vấp thì tôi bị một anh công an chìm chận lại. Anh ta yêu cầu tôi đứng lại và chờ anh ta xin lệnh cấp trên. Tôi bảo anh ta là nếu không cho tôi đi thì phải để tôi về lại nhà. Anh ta cũng không chịu. Sau đó xe công an tới đưa tôi về trụ sở công an ở Phú Nhuận. Họ yêu cầu tôi làm việc nhưng tôi từ chối, tôi không trả lời thẩm vấn của công an và tôi không chịu ký vào tờ biên bản. Rốt cuộc, khảng gần 10 giờ tối thì họ thả tôi ra.

-Việt Tide: Giáo sư có biết tin công an ở Hà Nội đánh đập bác sĩ Pham Hồng Sơn hôm thứ Sáu tuần trước?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi biết tin đó. Tôi thấy hành động đó của công an chứng tỏ chế độ trắng trợn vi phạm nhân quyền. Anh Sơn hoàn toàn không vi phạm luật lệ gì cả. Vậy mà anh bị công an bắt ngay trước cửa nhà đưa về trụ sở cômg an đánh đập tàn nhẫn như vậy. Chế độ này đã vi phạm nhân quyền trắng trợn, mà hễ ai bảo họ vi phạm thì họ cho rằng người ta vu khống họ. Tôi hết ý kiến đối với chế độ này.

-Việt Tide: Còn sự kiện bà Bùi thị Kim Ngân, vợ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bị công an hăm dọa bắn bỏ nếu bà Bình tìm cách gặp các phóng viên ngoại quốc, giáo sư có biết không?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi vô cùng phẫn uất trước cách hành xử thô bạo của nhà cầm quyền đối với người dân như vậy. Hành động khóa chặt cửa nhà người ta để ngăn cấm người ta gặp phóng viên ngoại quốc rõ ràng là sự vi phạm nhân quyền và chứng tỏ nhà nước Việt Nam muốn bưng bít thông tin.

-Việt Tide: Trong thời gian diễn ra APEC, nhiều nhà báo ngoại quốc khi đến Việt Nam tường thuật tin tức, họ đã tìm cách gặp những người đấu tranh dân chủ. Một vài nhà báo Mỹ gốc Việt cũng xin được chiếu khán về Việt Nam để săn tin, giáo sư và các nhà dân chủ khác có được các nhà báo Mỹ gốc Việt này tiếp xúc không ạ?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Một tuần trước khi APEC khai mạc tại Hà Nội, anh Đỗ Nam Hải và tôi có được một nhà báo Mỹ tiếp xúc trực tiếp tại khách sạn Shereton ở Sài Gòn để tìm hiểu sinh hoạt của phong trào dân chủ Việt Nam. Còn các nhà báo người Mỹ gốc Việt thì tôi không hề được họ tiếp xúc. Tôi không rõ những nhà đấu tranh dân chủ khác có được họ tiếp xúc không.

-Việt Tide: Cá nhân giáo sư nghĩ sao về sự hiện diện của Tổng thống Bush tại Sài Gòn?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi rất vui khi thấy nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới đến Việt Nam dự APEC, nhất là Tổng thống Bush. Nhưng tôi cũng thất vọng vì Tổng thống Bush là người đại diện cho một quốc gia muốn bảo vệ nhân quyền và cổ xúy dân chủ trên thế giới, vậy mà khi đến Việt Nam, ông không gặp những người đấu tranh dân chủ, thành ra theo tôi nghĩ, đó là điều không được hay lắm và chuyến đi của ông không thành công trọn vẹn.

-Việt Tide: Sau APEC, liệu Hà Nội có tiếp tục chính sách côn đồ đàn áp như họ đang làm, hay họ phải chùn tay lại, vì dù sao Việt Nam đã trở thành hội viên của WTO và chế độ cũng muốn hội nhập với nếp sống văn minh của nhân loại, thưa giáo sư?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam giống như một anh học trò của Trung Quốc. Thầy của họ sau khi vào WTO vẫn tiếp tục chính sách đàn áp ở Hoa Lục, bất chấp những gì họ đã cam kết trước đó. Chế độ hiện nay tại Việt Nam cũng sẽ thế thôi. Nghĩa là không có gì khá hơn thầy của họ. Tôi chỉ hy vọng là những người dân chủ tại Việt Nam sẽ lợi dụng được lợi thế khi Việt Nam vào WTO để tranh đấu. Chứ nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam không bao giờ từ bỏ chính sách đàn áp của họ. Họ đàn áp được là họ đàn áp, còn họ không đàn áp là vì họ bị rơi vào thế không thể đàn áp được mà thôi.

-Việt Tide: Bản thân giáo sư có bao giờ bị chùn bước trước sự đàn áp của chế độ?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Bản thân tôi cũng nhát. Nhát là bản tính tự nhiên của tôi. Nhưng sở dĩ tôi vượt thắng được phần nào tính nhát của mình vì tôi phân biệt được nhát và hèn. Hèn và nhát khác nhau. Nhát là do bản tính tự nhiên. Còn hèn là do luân lý. Tôi có thể chấp nhận là mình nhát, chứ tôi không cho phép mình hèn. Hơn thế nữa, lương tâm của tôi không cho phép tôi hèn. Tôi thấy trước tình trạng đất hiện nay mà tôi không hành động gì, không nói gì, thì tôi cảm thấy lương tâm của tôi không yên ổn. Tôi từng bị xâu xé và giằng co rất nhiều, giữa một bên là tiếng nói của lương tâm và một bên là sự cản trở của nỗi sợ hãi. Hai cái đó ngược chiều nhau, làm cho tinh thần tôi bị căng thẳng lắm. Nhưng một khi tôi đã quyết định làm theo lương tâm thì tôi chấp nhận trả giá. Khi mình đã quyết thì nỗi sợ hãi giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, mục tiêu dân chủ mà anh em chúng tôi đang tranh đấu là một giá trị vô cùng to lớn và cao quý cho nên chúng ta phải đổi bằng những cái gì khác cũng rất là to lớn. Tôi sẵn sàng chấp nhận hy sinh bằng bất cứ giá nào. Ngay cả mạng sống của mình. Nhiều đồng bào mình hiện khổ đau lắm, nhà cửa đất đai bị chính quyền cướp mất. Khi tôi so sánh sự đau khổ của những đồng bào đó với những gì tôi phải chịu đựng vì đấu tranh cho dân chủ, tôi thấy nỗi khổ đau của tôi nhỏ lắm. Cho nên nếu bị vào tù, bị tra tấn thì đó cũng là cách tôi chia sẻ nỗi đau thương của dân tộc mình.

-Việt Tide: Các chế độ độc tài như chế độ hiện nay tại Việt Nam thường dùng biện pháp áp lực và đe dọa người thân của những nhà đấu tranh chống lại họ với mục đích làm nhụt nhuệ khí của những người đấu tranh. Gia đình giáo sư có bị rơi vào hoàn cảnh như thế không?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi có vợ và hai con. Gia đình chúng tôi sống chung với bố mẹ và mấy anh em tôi tại quận Gò Vấp, Sài Gòn. Công an đã nhiều lần tìm cách gây áp lực với bố mẹ tôi, anh em tôi và vợ tôi nhằm ảnh hưởng đến tôi. Nhưng đại gia đình của tôi và vợ tôi tôn trọng việc làm của tôi nên công an chẳng ảnh hưởng gì được. Vợ tôi thấy được thái độ dấn thân của tôi đối với Giáo hội (Công giáo) và xã hội. Vợ tôi luôn tin tưởng tôi và để tôi tự do hành sử theo lương tâm của tôi, không bao giờ ngăn cản việc tôi đấu tranh cho dân chủ.

-Việt Tide: Một số người Việt tại hải ngoại khi về thăm quê nhà đã tìm thú vui hưởng thụ trên thân xác khổ đau của chị em phụ nữ chúng ta; một số người vì quyền lợi cá nhân thì cúi đầu khuất phục trước chế độ và nhắm mắt câm miệng trước những bất công mà đồng bào tại quê nhà đang gánh chịu. Giáo sư nghĩ gì về những loại người này ạ?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Đối với những người không dám nói lên suy nghĩ của mình trước tình trạng hiện nay của đất nước, tôi cũng thông cảm họ. Mỗi người có một trình độ khác nhau về mặt tâm linh và về khả năng yêu thương, khả năng dấn thân cho tha nhân. Tôi không trách những người không dám lên tiếng. Nhưng tôi rất mong mỗi người hãy cố gắng hành xử theo tiếng nói lương tâm của mình và cố gắng vượt thắng nỗi sợ hãi của mình để nói lên tiếng nói của sự thật, của công lý.

-Việt Tide: Giáo sư có điều gì muốn nói thêm trong cuộc phỏng vấn này?

-Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Từ trước đến nay, người Việt hải ngoại đã hết sức ủng hộ những người đấu tranh dân chủ ở trong nước. Sự ủng hộ đó hết sức cần thiết đối với anh em chúng tôi. Sự ủng hộ tinh thần bằng các cuộc biểu tình, bằng các lời phát biểu, bằng các cuộc vận động chính phủ các nước dân chủ trên thế giới, tất cả những việc làm đó hết sức cần thiết cho cuộc tranh đấu tại quê nhà. Nếu không có những việc làm đó của đồng bào hải ngoại, cuộc tranh đấu ở trong nước đã bị dẹp tan rồi. Cho nên, sự hỗ tương giữa trong và ngoài nước hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng tôi rất mong đồng bào hải ngoại chung sức đoàn kết với nhau để cùng đồng bào trong nước đấu tranh cho tương lai dân chủ và tự do của dân tộc chúng ta. Cám ơn báo Việt Tide đã tạo cơ hội cho tôi lên tiếng về phong trào dân chủ tại Việt Nam.

-Việt Tide: Thay mặt độc giả, cám ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn của Việt Tide.

Little Saigon, ngày 11/24/2006



TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________