Động Lực Tranh Ðấu
cho Tự Do Dân Chủ

Ngọc Yến phỏng vấn
Gs Nguyễn Chính Kết
ngày 30-5-2007

bấm vào đây nghe âm thanh:
http://www.freevn.org/audio/20070530gs_chinhket.ram

Ngọc Yến: Trong ước mong chuyển những nhận định và tâm tình thân thương của đồng bào hải ngoại gởi về Viêt Nam, sau đây là 3 câu phỏng vấn ngắn dành cho Gs nguyễn Chính Kết, là người tích cực tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Viêt Nam. Năm 1954, Chính Kết là giáo dân Công Giáo di cư vào miền Nam. Xuất thân từ Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, và sau khi rời Chủng Viện từ năm 1978, Gs Chính Kết tiếp tục dấn thân hoạt động, trở thành một khuôn mặt nổi bật của tập thể chiến sĩ đối kháng nhà cầm quyền Việt Cộng ở quốc nội. Ông hiện đang hoạt động ở hải ngoại, giữa lệnh truy nã của nhà nước Việt Cộng. Giáo sư Nguyễn Chính Kết là thành viên Khối 8406, một sáng lập viên Hội Nhà Báo Tự Do Việt Nam, một trong những người lãnh đạo Liên Minh Dân chủ và Nhân Quyền VN.

Kính chào Gs Nguyễn Chính Kết, xin ông cho biết động lực nào khiến ông cũng như các nhà dân chủ khác trong nước dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy cam go và nguy hiểm như hiện nay?

Gs Nguyễn Chính Kết: Như chúng ta đã biết, để bảo vệ độc quyền cai trị vô thời hạn trên đất nước Việt Nam, CSVN đã thẳng tay đàn áp các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ trong thời gian vừa qua. Trong quá khứ, họ đã dùng tất cả những phương tiện có thể, kể cả những phương tiện tồi tệ nhất, vô nhân nhất, hèn hạ nhất, dã man nhất để bảo vệ cái độc quyền ấy. Họ đã dùng biện pháp khủng bố làm cho mọi người dân sợ hãi: sợ chết, sợ tù, sợ mất việc làm, sợ bị phiền nhiễu, sợ người thân bị liên lụy… hầu người dân phải luôn luôn khuất phục, vâng lời họ. Nhiều người dân sợ đến nỗi chấp nhận làm tay sai cho họ, sẵn sàng tuân hành những lệnh phi lý và vô nhân nhất của họ. Mục đích cuối cùng của đảng CSVN chỉ là để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi mà họ đang hưởng một cách bất chính, bất nhân trên dân tộc Việt Nam, bất chấp dân tộc phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận biết bao đau khổ, tang thương, mất mát.

Tuy nhiên vẫn có những người vượt thắng được những nỗi sợ hãi cố hữu đang đè nặng trên nhân dân để tranh đấu, để nói lên những điều mà chẳng mấy ai dám nói. Họ đã mạnh dạn nói lên những khát vọng sâu xa của người dân về tự do dân chủ mà người dân bị đảng CSVN tước đoạt suốt 60 năm qua. Họ dám nói lên những bất công, những đau khổ mà người dân phải chịu do chế độ độc tài độc đảng đang gây ra cho họ; những người can đảm này dám nói lên sự vô nhân, thất đức, sự hèn hạ, bất xứng của giai cấp lãnh đạo đang quyết tâm bám lấy “ngai vàng” với bất cứ giá nào, bất chấp sự bất lực, vô tài, bất đức của mình. Họ đã can đảm nói lên sự thật bất chấp bị đe doạ, sách nhiễu, bất chấp bị quản chế hay vào tù, thậm chí bất chấp cả cái chết… Họ là những người đang lên tiếng tranh đấu cho tự do dân chủ như Lm Nguyễn Văn Lý, Lm Phan Văn Lợi, Ls Nguyễn Văn Đài, Ls Lê Thị Công Nhân, v.v…

Cái gì đã thúc đẩy họ, khiến họ can đảm hy sinh tranh đấu như thế? Chính là tình yêu đối với quê hương dân tộc, đặc biệt đối với những người dân đang đau khổ. Chính lương tâm ngay chính của họ khiến họ không thể im lặng hay thụ động ngồi yên khi thấy đồng loại bị đau khổ vì những áp bức bất công. Nghĩ tới biết bao người bị tù, bị giết, bị tra tấn, bị bạc đãi vì lý do tôn giáo, vì khác quan điểm chính trị với những kẻ cầm quyền, vì thấp cổ bé miệng, hay chẳng vì một lý do nào cả; nghĩ tới biết bao người đau khổ không nhà cửa, trở nên nghèo khổ vì bị tước đoạt tài sản, nhà cửa đất đai ruộng vườn do lòng tham vô đáy của những kẻ có chức có quyền; họ sẵn sàng chấp nhận đau khổ để tranh đấu thay cho những người ấy. Họ nghĩ những đau khổ mà họ phải chịu vì sự tranh đấu của họ đâu là gì so với trăm nghìn đau khổ mà người dân Việt đang phải gánh chịu vì chế độ độc tài. Nếu phải đau khổ mà hy vọng làm cho dân chúng bớt khổ thì họ luôn sẵn sàng chấp nhận.

Họ không phải là những người có tiếng nói mạnh mẽ trong xã hội như các đại tướng trong quân đội hay các bộ trưởng trong chính phủ, hay như những ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch thành phố, cũng không phải như những giám mục hay hòa thượng có cả hàng ngàn, vạn tín hữu sẵn sàng nghe lời dạy bảo của mình… Họ chỉ là những người bình thường, có tiếng nói rất hạn chế của một linh mục, một mục sư, một thượng tọa, hay một luật sư, một kỹ sư, một giáo sư, một nhà văn… thậm chí chỉ là một sinh viên, một nông dân, một công nhân… Họ đã chờ đợi những người có tiếng nói lên tiếng trước để họ ủng hộ. Nhưng những người này nhiều khi im lặng thụ động, có vẻ như đồng lõa hay sợ hãi mà đành chấp nhận bạo lực, hay không đủ tình yêu và can đảm để tranh đấu, không đủ ý thức trách nhiệm để thấy rằng trong hoàn cảnh đất nước như hiện nay, mình phải làm một cái gì hơn là những việc mình phải làm trong một xã hội bình thường. Không thể chờ đợi những người khác lên tiếng rồi mình mới lên tiếng, vì nếu ai cũng chờ như thế thì sẽ chẳng ai lên tiếng cả. Ý thức được trách nhiệm của một người dân trong một đất nước lầm than: “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”, dù cảm thấy tiếng nói của mình có nhỏ bé đến đâu, họ vẫn cảm thấy trách nhiệm phải lên tiếng. Lên tiếng cho những kẻ không có tiếng nói, cho những kẻ không dám nói, cho những kẻ muốn nói mà không nói được, nhất là cho những kẻ đang bị áp bức cách bất công…

Ngọc Yến: Kính thưa Gs Chính Kết, là một Kitô hữu, hơn nữa là một người có nhiều suy tư về Thần Học, có động lực khác mang tính tôn giáo, thúc đẩy ông dấn thân vào cuộc tranh đấu này không?

Gs Nguyễn Chính Kết: Riêng tôi, là một người Kitô hữu, hơn nữa một người thường suy tư thần học, tôi cảm thấy tranh đấu cho quê hương dân tộc cũng là một cách thờ phượng Thiên Chúa, và là cách mà tôi cho là tốt nhất, tuyệt vời nhất. Gương của Chúa Giêsu cho tôi thấy điều ấy. Ngài xuống thế làm người vì yêu thương nhân loại. Ngài sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau như mọi người cũng vì yêu thương nhân loại. Ngài chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá cũng vì yêu thương nhân loại. Chính vì yêu thương nhân loại, mà tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh cho nhân loại của Ngài như xuống thế, sống đời trần thế, chịu khổ hình và chết trên thập tự, và ngay cả hành vi lập phép Thánh Thể của Người cũng đều là những hành vi được giáo hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa, và là hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài, yêu thương nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất. Nói khác đi, theo Ngài, yêu thương nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa.

Dường như nơi Người không có sự phân biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ có thể phân biệt chứ không bao giờ có thể tách biệt nhau. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa. Thờ phượng Thiên Chúa bằng yêu thương tha nhân có giá trị hơn những nghi thức tôn giáo, vì điều cốt yếu nhất trong việc thờ phượng là sự hy sinh: mọi sự thờ phượng từ nguyên thủy đều đòi hỏi sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi nào đó. Hy sinh một vật ngoài mình không giá trị bằng hy sinh chính mình hay hy sinh một cái gì đó thân thiết nhất của mình: mạng sống, hạnh phúc, an toàn bản thân, người mình yêu, vật mình quý, ý muốn, danh dự, uy tín, sức khỏe, thì giờ, tiền bạc, tiện nghi… Rất nhiều nghi thức thờ phượng trong tôn giáo không hề đòi hỏi kẻ thờ phượng phải hy sinh, chấp nhận đau khổ, nếu có thì chỉ đòi hỏi hy sinh những gì bên ngoài mình, không mấy thân thiết với mình. Nếu đòi hỏi phải hy sinh bản thân hay những thứ thân thiết nhất với mình mới là sự thờ phượng chân chính, ắt số người thờ phượng đúng nghĩa sẽ ít hơn rất nhiều. Hành vi nào của Đức Giêsu ở trần gian cũng đều vừa là yêu thương con người, vừa là thờ phượng Thiên Chúa. Đó là một hành vi nhưng có hai giá trị gắn liền nhau không thể tách rời. Và có thể nói, nơi Ngài, yêu thương con người và thờ phượng Thiên Chúa là một hành vi duy nhất, một giới răn duy nhất, không phải là hai giới răn tách biệt nhau.

Vì thế, cách yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa của tôi chính là yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Tha nhân là tất cả mọi người không trừ ai. Nhưng những người mà tôi nghĩ cần phải ưu tiên yêu thương và hy sinh cho là những người đang đau khổ; cụ thể là những người nghèo hèn, bệnh tật, những người bị áp bức, bị tước đoạt những quyền căn bản và chính đáng nhất của con người, bị chiếm đoạt nhà cửa, ruộng vườn khiến họ phải sống vất vưởng vô gia cư, những người bị tù đày, bị tra tấn, sách nhiễu, bị đối xử bất công… Trong hoàn cảnh đất nước bị chế độ độc tài cộng sản đô hộ hiện nay, việc tranh đấu chống độc tài, áp bức, bất công, để đem lại tự do, công bằng và hạnh phúc cho quê hương chính là cách thức yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa mà tôi cho là cụ thể và thiết thực nhất. Tôi cũng cho rằng tất cả những người đang hy sinh bản thân, mạng sống, chấp nhận đau khổ, tù tội để làm cho tha nhân được ấm no, hạnh phúc, cho xã hội được tự do, công bằng, thăng tiến… nhất là những người đang liều mình tranh đấu cho tự do dân chủ của quê hương, dù họ thuộc bất kỳ tôn giáo nào, họ đều là những người yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách đúng nghĩa nhất.

Đó chính là những động lực sâu xa thúc đẩy tôi dấn thân vào con đường tranh đấu, khởi đầu là cho tự do tôn giáo từ đầu năm 2001, cho nhân quyền và dân chủ đa đảng từ năm 2005 đến nay.

Ngọc Yến: Thưa Gs Chính Kết, trong thời gian ở nước ngoài, để vận động người Việt hải ngoại và chính giới các nước ủng hộ cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ ở quốc nội Việt Nam, thưa ông thấy việc vận động của ông có kết quả gì không?

Gs Nguyễn Chính Kết: Tôi thấy cuộc tranh đấu nào cũng cần có những người làm công tác ngoại vận và quốc tế vận. Trong quá khứ đã có những người làm công việc này như cụ Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Hải Thần, Ngô Đình Diệm… Chính vì vậy khi ban Điều Hành Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam thấy tôi có cơ hội ra nước ngoài được − vì tôi có sẵn hộ chiếu (passport) và được Mạng Lưới Nhân Quyền ở California mời sang lãnh giải thưởng nhân quyền − liền đề nghị tôi đi. Thực ra từ rất lâu đã có nhiều người Việt hải ngoại làm công việc này trước tôi, nhưng trong công việc này lời chứng của một người trong nước dẫu sao vẫn có một giá trị thuyết phục mọi người hơn. Tuy cả hai đều nói cùng một sự thực, tuy giá trị về mặt sự thật của cả hai là ngang nhau, thậm chí người Việt hải ngoại có thể nói chính xác và đầy đủ hơn vì nắm bắt được nhiều thông tin hơn, nhưng người trực diện với sự thật trong nước vẫn có tính chứng nhân nhiều hơn nên có sức thuyết phục hơn. Tương tự như sự khác nhau giữa lời kể của một người nghe nói về một sự kiện và lời kể của một người chứng kiến tận mắt hay thật sự đóng một vai nào đó trong chính sự kiện ấy. Cũng tương tự như sự khác nhau giữa hai người cùng hứa mua nhà, một người trao tiền cọc và một người không. Hai người cùng hứa mua nhà y như nhau, nhưng người đưa tiền cọc thì được chủ bán nhà tin tưởng hơn. Thật vậy, người ngoài nước nói đúng hay nói mạnh tới đâu cũng không bị sao cả, còn người trong nước nói điều gì thì cũng phải sẵn sàng trả giá − thậm chí rất mắc − cho điều mình nói. Điều đó khiến cho người nghe cảm thấy thuyết phục và dễ tin hơn. Mà một điều rất quan trọng trong cuộc vận động này là làm cho người ta tin những điều mình nói.

Tôi thấy những cuộc gặp gỡ của tôi với đồng bào hải ngoại đã làm cho những người tranh đấu trong nước và ngoài nước hiểu nhau hơn, nhờ đó đoàn kết hơn và dễ phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn trong cuộc tranh đấu chung này. Còn chính giới các nước thì hiểu rõ và xác tín hơn về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN. Nhờ đó họ có động lực mạnh hơn trong việc đòi hỏi và áp lực nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền của người dân.