Đài SBTN Dallas-Fort Worth
phỏng vấn Ký giả Trương Sĩ Lương
và Gs Nguyễn Chính Kết


Thu Nga, SBTN

Thu Nga: Xin kính chào quý thính giả và xin chào anh Trương Sĩ Lương, người phụ trách chương trình bình luận hàng tuần của đài Saigon-Dallas 890AM. Thưa anh, trong khi nhân loại đang tưng bừng đón mừng Chúa Giê-su ra đời, mang lại tin lành cưu nhân độ thế, thì thế giới vẫn những hận thù chưa vơi tí nào. Khắp nơi trên thế giới vẫn những xáo trộn chết người. Tại Thánh Ðịa Jerusalem, mấy ngày nay vẫn có những cuộc đụng độ giữa người Palestine và Do Thái. Như vậy, theo anh thì tiến trình hòa bình giữa Do Thái và Palestine sau Hội Nghị Hòa Bình Annanpolis có hi vọng gì không?

Trương Sĩ Lương: Xin kính chào quý thính giả, xin chào chị Thu Nga. Trước nhất, xin thưa là từ khi loài người có mặt trên trái đất này, thì chiến tranh có bao giờ chấm dứt đâu! Nhân loại vẫn đau khổ triền miên vì tham lam, hận thù. Vào cuối tháng 11 vừa qua, Hoa Kỳ đã tổ chức được Hội Nghị Hòa Bình Trung Ðông cho hai dân tộc Palestine và Do Thái tại Annapolis, tiểu bang Maryland, gồm đại diện của 48 quốc gia tham dự. TT Bush hi vọng rằng sau khi rời tòa Bạch ốc vào năm tới thì tiến trình hòa bình giữa Do Thái và Palestine sẽ có dấu hiệu tiến triển tốt đẹp và sẽ dẫn tới một nền hòa bình để hai dân tộc Palestine và Do Thái sẽ sống bên nhau bằng hai quốc gia riêng biệt, có dân chủ hòa bình và tôn trọng nhau. Thế nhưng theo tôi thì khó quá! Hận thù giữa hai dân tộc này đã nằm sâu trong xương tủy. Chính người dân Palestine và Do Thái chưa muốn hòa bình thì nỗ lực của các nhà lãnh đạo Do Thái, Palestine, Mỹ nói chung là cả thế giới cũng phải bó tay thôi.

Thu Nga: Nói tới cuộc chạy đua vào Bạch ốc năm nay là phải nói tới sự tuột dốc của bà Hillary Clinton và những sì-căng-dan về ông Obama, ứng cử viên nổi tiếng người da đen. :Anh cho biết tại sao bà Clinton lại tuột xuống thê thảm như vậy? Và ông Obama có hi vọng gì cho đảng dân chủ?

Trương Sĩ Lương: Gần một năm vận động ráo riết, nhưng đảng Dân Chủ vẫn chưa có một ứng cử viên nào sáng giá hơn bà Clinton và ông Obama. Bà Clinton tuột dốc vì bị sơ hở trong những lần tranh luận giữa các ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Thế nhưng, điểm chính của sự tuột dốc là bà đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách của TT Bush trong việc đối đầu với Iran. Vụ điều tra của cơ quan NIE (National Intelligence Estimates) về việc Iran đã ngưng chương trình phát triển nguyên tử từ năm 2003 cũng đã ảnh hưởng tới sự tuột dốc của bà. Trong khi đó, thì ứng cử viên da đen, ông Obama cũng đang bị báo chí khui là được sinh trưởng trong một gia đình không đàng hoàng, mẹ (da trắng) có nhiều đời chồng, bố người da đen (Kenya) cũng bê bối, rượu chè và chết vì nghiện rượu. Người ta chú ý nhất là ông Obama từng sống ở Nam Dương với mẹ và theo đạo Hồi lúc thiếu thời v.v. Thế nhưng ván bài của Dân chủ đang đánh còn nhiều thế ngoạn mục đối với Cộng hòa vào năm 2008. Hiện bây giờ thì phải nói là quá sớm để bàn về ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử sơ bộ của lưỡng đảng tại 2 tiểu bang tiên khởi là Iowa và New Hamshire.

Thu Nga: Tại Á châu, sự phát triển về quân sự và kinh tế của Trung Cộng vẫn là đề tài chính trên báo chí thế giới hàng tuần. Người ta cho rằng lưỡng cực Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ có những trận thư hùng trong tương lai gần. Anh nghĩ những biến động đáng sợ này có thể xảy ra hay không?

Trương Sĩ Lương: Thưa quý thính giả, theo dõi sự phát triển về kinh tế cũng như quân sự thì phải nói là thế giới đang lo âu tới tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Họ không những chỉ muốn làm chủ Á Châu về quân sự và kinh tế mà còn muốn làm bá chủ luôn cả thế giới nữa. Có thể vì cần năng lượng để phát triển nền công nghiệp, Trung Cộng đã liên kết và thọc vào các nước đang chống lại Hoa Kỳ như Venzuela, Iran v.v... để gây ảnh hưởng; nhất là tại các nước ở Phi châu, họ đang đóng vai trò phú ông rất tử tế, cố tình làm cho ảnh hưởng của Hoa kỳ xấu đi ở những xứ mà họ đến. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ rất chướng tai gai mắt trước thái độ thoọc nách của Trung Cộng, nhưng chưa phải lúc để Hoa kỳ phải đụng độ trực diện.

Thu Nga: Trong chương trình của đài Saigon-Dallas hôm nay, đặc biệt có nhà đấu tranh dân chủ từ quốc nội, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý thính giả: GS Nguyễn Chính Kết. Xin Thu Nga xin chào GS Nguyễn Chính Kết.

Nguyễn Chính Kết: Xin chào quý thính giả nghe đài, xin chào nhà báo Trương Sĩ Lương và chị Thu Nga.

Thu Nga: Một số người ở hải ngoại thắc mắc rằng tại sao hầu hết các nhà đấu tranh dân chủ khác trong nước muốn ra hải ngoại đều bị nhà cầm quyền Việt Nam cản trở mà anh lại có thể ra được. Phải chăng nhà cầm quyền Việt Nam đã cho phép anh đi? Nếu không cho phép thì việc ra đi của anh có hợp pháp không?

Nguyễn Chính Kết: Tôi cũng y hệt như các nhà đấu tranh dân chủ khác trong nước, cũng bị nhà cầm quyền cộng sản tìm đủ mọi cách cản trở không cho xuất ngoại. Nhưng tôi xuất ngoại được phần nào tương tự như trường hợp những người bị tù cộng sản vượt ngục được, hay như những người Việt hải ngoại vượt biên được, cho dù cộng sản tìm đủ mọi cách ngăn cản họ. Tôi ra hải ngoại được cũng nhờ có sự hội tụ của ba yếu tố này:

a) Sự sơ suất của nhà cầm quyền cộng sản: Công an cộng sản Việt Nam cũng chỉ là những phàm nhân mắt thịt, họ chẳng phải là thần thánh hay là những con người “ba đầu sáu tay”, nên việc quản lý nhân sự của họ còn nhiều sơ suất, lỗ hổng.

b) Mưu trí của chính bản thân tôi: Ðã là người tranh đấu dân chủ bất bạo động, tôi chỉ có một thứ vũ khí cá nhân duy nhất là đầu óc suy nghĩ, tính toán của tôi. Trong trường hợp xuất ngoại của tôi, muốn thực hiện được, tôi phải lợi dụng những sơ hở của họ để qua mặt họ. Một người tranh đấu mà không tìm cách qua mặt được họ thì làm sao thắng họ được khi họ nắm đủ mọi quyền bính, công an, quân đội, võ khí và phương tiện trong tay?

c) Sự may mắn (nói theo kiểu tôn giáo là do Ơn Trên): Sau khi vượt ra ngoài được, tôi mới nhận thấy rằng yếu tố may mắn đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Nếu chỉ nhờ hai yếu tố trên, chắc chắn tôi sẽ khó lòng thực hiện thành công việc xuất ngoại của tôi.

Việc xuất ngoại của tôi là hợp pháp, vì tôi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.

Thứ nhất là có hộ chiếu (passport) làm từ đầu năm 2001 trước khi tôi lên tiếng tranh đấu, và tôi đã gia hạn lại (renew) vào đầu năm 2006 trước khi thành lập Khối 8406, hay trước khi tôi bị nhà cầm quyền Cộng sản theo dõi một cách hết sức chặt chẽ.

Thứ hai, tôi có thẻ thông hành (visa) do tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Sàigòn cấp. Tôi không xuất ngoại bằng đường Tân Sơn Nhất vì biết rằng nếu xuất bằng đường này, tôi sẽ bị công an giữ lại. Tôi đã đi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để qua Cambốt. Tại đây tôi bị công an cửa khẩu này không cho qua và yêu cầu tôi về nhà vì họ phát hiện tôi có tên trong danh sách không được xuất ngoại. Vừa ra khỏi cửa khẩu Mộc Bài để về nhà, tôi được một anh xe ôm – thường chở dân đánh bài vượt biên bằng đường ruộng qua Casino bên Cambốt – cho biết anh ta có thể chở tôi qua bên kia biên giới theo cách ấy. Và tôi đã chủ động sử dụng quyền tự do xuất ngoại được ghi trong hiến pháp để qua biên giới và tới Nam Vang. Tại đây, sau nhiều ngày xoay sở, tôi đã mua được vé máy bay sang Hoa Kỳ.

Trương Sĩ Lương: Nhiều người nghi ngờ rằng anh ra hải ngoại để tị nạn chính trị, thay vì để lãnh giải nhân quyền. Ðiều đó có đúng không?

Nguyễn Chính Kết: Tôi là một người tranh đấu vì lương tâm thúc đẩy, tôi không thể từ bỏ cuộc tranh đấu khi lương tâm tôi vẫn còn thúc đẩy. Vì thế, khi ra được hải ngoại, tôi vẫn tiếp tục tranh đấu với tư cách một người tranh đấu trong nước đang vận động dân chủ ở hải ngoại. Tôi chưa hề có ý định ở lại hải ngoại, mà vẫn quyết định trở về Việt Nam để tiếp tục tranh đấu đòi dân chủ và nhân quyền cùng với các chiến hữu của tôi. Là một người tranh đấu, tôi phải chọn thời điểm nào thuận lợi nhất cho đại cuộc để trở về nước. Vì thế, bao lâu việc ở lại hải ngoại để vận động mà có lợi cho đại cuộc hơn là trở về, thì tôi chưa trở về vội. Khi thấy việc trở về có lợi cho đại cuộc hơn thì dù khó khăn cách mấy tôi cũng sẽ trở về.

Thu Nga: Anh nghĩ gì về những nghi ngờ ấy? Và anh thường có thái độ nào khi bị nghi ngờ như thế hay thậm chí có người dựa vào những nghi ngờ ấy để đánh phá anh?

Nguyễn Chính Kết: Trong tranh đấu, việc nghi ngờ là việc rất cần thiết và khôn ngoan để có được một nhận định xác đáng và khách quan về một con người, nhất là khi cộng sản Việt Nam rất quỷ quyệt luôn tìm cách cài người của họ vào hàng ngũ những người tranh đấu. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục nghi ngờ và không tìm cách đi đến kết luận để dứt khoát tin tưởng hoặc không tin tưởng nữa mà cứ nghi ngờ hoài, thì đó không phải là một thái độ tranh đấu khôn ngoan. Trước khi đi đến kết luận dứt khoát về một người, cần phải dành một thời gian đủ dài để xét xem người ấy có nói hay hành động gì có lợi cho kẻ thù hay bất lợi cho đại cuộc, cho sự đoàn kết không. Nếu người ấy chỉ toàn nói và hành động bất lợi cho kẻ thù, đồng thời chỉ toàn nói và hành động có lợi cho đại cuộc thì phải kết luận người ấy đáng tin tưởng.

Khi bị nghi ngờ thì tôi chấp nhận điều ấy như một điều dĩ nhiên. Ðối với một số người cứ tiên thiên kết luận nhiều điều tiêu cực về tôi mà không có bằng cớ xác đáng, thì tôi cho rằng họ cũng có lý do của họ cho dù không hợp lý. Nếu họ là những người chống cộng sản hay tranh đấu cho dân chủ, thì tôi không bao giờ đánh phá lại hay nói điều gì bất lợi cho họ, vì tôi thà bị thiệt hại hay mất uy tín cá nhân còn hơn là gây nên sự mất đoàn kết giữa nội bộ những người tranh đấu. Tôi chủ trương: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Trương sĩ Lương: Thưa anh, một số người Việt hải ngoại nghi ngờ rằng Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam đã bị chi phối và điều khiển bởi một tổ chức hay đảng phái ở hải ngoại này. Sự nghi ngờ này có đúng không?

Người ta có quyền nghi ngờ, nhưng tôi khuyên họ nên tìm ra bằng cớ. Nếu không tìm được bằng cớ xác đáng thì không nên nghi ngờ nữa. Với tư cách một người từng tham dự vào việc thành lập hai tổ chức này, và là một thành viên hoạt động tích cực của hai tổ chức này, tôi có thể dùng danh dự của mình để cam kết rằng: hai tổ chức này tới nay vẫn giữ được tính độc lập trong mọi quyết định của mình. Quá khứ cho thấy linh mục Nguyễn Văn Lý, người có công nhiều nhất trong hai tổ chức này, khi lên tiếng tranh đấu cho tự do tôn giáo từ cuối năm 2000, đã được một số tập hợp hải ngoại giúp đỡ ngài nhiều nhất yêu cầu ngài để cho họ được đại diện ngài ở ngoài này thì ngài đều từ chối. Lý do là ngài không muốn lệ thuộc hay bị mất tính độc lập vì họ. Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam cũng đi theo đường lối ấy. Riêng tôi, khi ra hải ngoại, tôi đã giao thiệp với rất nhiều tập thể, đảng phái và không hề từ chối sự giúp đỡ của bất kỳ tập thể hay đảng phái nào khi họ sẵn lòng giúp đỡ. Và tôi có thể tự hào rằng tôi không hề bị lệ thuộc bất kỳ một tập thể hay đảng phái nào trong những quyết định của tôi với tư cách là đại diện của Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam.

Thu Nga: Anh nghĩ gì về việc Trung Cộng xâm lăng Việt Nam? và về phản ứng của nhà cầm quyền CSVN và của người dân Việt Nam trong nước trước sự việc ấy?

Nguyễn Chính Kết: Trung Cộng xâm lăng Việt Nam là do ba yếu tố cấu thành:

a) Mộng bá chủ hay bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc: Suốt hàng chục thế kỷ qua, Trung Quốc chưa hề từ bỏ được tham vọng bành trướng lãnh thổ và mộng bá chủ thế giới. Họ luôn luôn muốn biến Việt Nam và các nước Ðông Nam Á cũng như các quốc gia nhỏ chung quanh họ thành những nước chư hầu hay những tỉnh của họ. Họ đã thành công phần nào ở Tây Tạng, nhưng chưa thành công ở những nước khác.

c) Tham vọng độc quyền cai trị đất nước vô thời hạn của đảng Cộng Sản Việt Nam: Tham vọng này khiến Cộng Sản Việt Nam sẵn sàng dùng bất kỳ thủ đoạn nào để thực hiện điều ấy, cho dù phải bán nước, nhượng đất, nhượng biển để mua được sự bảo trợ của Trung Quốc cho tham vọng độc quyền ấy. Và quả thật họ đã ký kết những công hàm, hiệp định bán những phần giang sơn của mình cho Trung Quốc.

c) Sự yếu hèn, khiếp nhược và lệ thuộc của đảng Cộng Sản Việt Nam đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc: Trung Quốc chưa dám xâm lăng những nước nhỏ chung quanh khác ngoài Việt Nam (như Ðài Loan, Hàn Quốc, Miến Ðiện, Thái Lan) vì những nước ấy tương đối độc lập, không hèn yếu và lệ thuộc họ như Việt Nam.

Trước sự xâm lăng của Trung Cộng và sự yếu hèn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, người dân – nhất là giới sinh viên, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ – đã phẫn nộ biểu tình phản đối. Nhưng Cộng Sản Việt Nam sẵn sàng theo chính sách “đội trên đạp dưới”: một mặt khiếp nhược quan thầy, một mặt khinh thường, hà hiếp, bóc lột người dân nên khi dân chúng biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng, Cộng Sản Việt Nam đã khiếp sợ Trung Quốc đến độ phải đàn áp biểu tình để lấy lòng quan thầy mình.

Thu Nga: Theo anh, người Việt hải ngoại cần phải làm gì trước sự kiện Trung Quốc xâm lăng Việt Nam như thế? Việt Nam có thể đòi lại những phần đất hay biển đã bị mất không?

Nguyễn Chính Kết: Ngoài những cuộc biểu tình phản đối, người Việt hải ngoại cần tích cực yểm trợ người dân trong nước trong việc chống Trung Quốc xâm lăng và đòi hỏi cộng sản Việt Nam phải phản ứng mạnh mẽ trước cuộc xâm lăng ấy. Hải ngoại cũng cần giúp trong nước những nền tảng pháp lý để đưa sự việc ra trước Liên Hiệp Quốc và tòa án quốc tế hầu đòi lại những phần giang sơn bị mất. Thật ra, đảng Cộng Sản Việt Nam không phải là đảng do dân bầu ra, nên không đủ tư cách pháp lý đại diện cho toàn dân để ký kết nhượng giang sơn của toàn dân cho ngoại bang. Khi đảng Cộng Sản Việt Nam sụp đổ, chính quyền tự do dân chủ cần phải tuyên bố hủy bỏ những văn bản bán nước đã ký kết. Do đó, muốn dân tộc lấy lại được những phần đất bị Trung Quốc xâm chiếm, đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải thoái vị hay sụp đổ.

Thu Nga: Xin hỏi ý kiến anh Lương, Theo dõi tình hình chung của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương thì họ có phản ứng gì về vụ Tam Sa này không?

Trương Sĩ Lương: Về bề ngoài thì Hoa Kỳ dường như không hề có ý kiến gì cả, nhưng bên trong, tôi tin là có, hoặc sẽ có trong tương lai. Tưởng cũng xin nhắc lại là Ðô Ðốc Tom Keating tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ đã viếng Hà Nội mấy tháng trước; và mới đây, sau khi Trung Cộng tuyên bố thành lập Tam Sa thì Ðô Ðốc Keating cũng lại có mặt tại Hà Nội. Tôi nghĩ Trung Cộng nhận thấy CSVN càng ngày càng xích lại gần Mỹ hơn – nhất là việc Mỹ sẽ bán cho CSVN Tuần duyên hạm và Diệt lôi hạm trong năm nay. Do đó, tôi tin Trung Cộng đang thăm dò phản ứng của CSVN và thế giới về vụ Tam Sa. Tôi cũng mong rằng CSVN sẽ bật đèn xanh nhằm tố cáo với thế giới về việc TC tranh giành năng lượng tại biển đông. Tôi cho rằng CSVN phải rời bỏ sự lệ thuộc về chính trị với Trung Cộng càng sớm càng tốt; dân chủ hóa chế độ là con đường giữ nước duy nhất mà họ phải bước đi một cách khôn ngoan.

Thu Nga: Nhiều chức sắc tôn giáo cho rằng tôn giáo không nên làm chính trị, nên họ đã có thái độ thụ động không lên tiếng chống lại nhà cầm quyền Việt Nam. Theo anh, họ nghĩ như thế có đúng không?

Nguyễn Chính Kết: Bản chất cốt yếu của mọi tôn giáo là chống ác và hành thiện. Chống ác là nền tảng cho việc hành thiện, vì nếu không chống ác, sự ác sẽ triệt tiêu hay vô hiệu hóa kết quả việc hành thiện. Rất nhiều chức sắc tôn giáo chấp nhận hoặc ủng hộ việc chống ác do bất kỳ ai gây ra, ngoại trừ sự ác do chế độ cộng sản gây nên, vì họ cho rằng chống lại sự ác do chế độ cộng sản gây ra là làm chính trị. Ai cũng có thể nhận ra quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm. Vì sự ác do chế độ độc tài cộng sản trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho dân tộc Việt Nam – như tàn sát dân lành vô tội, và bao tệ nạn xã hội như tham nhũng, xì ke, ma túy, buôn bán phụ nữ trẻ em, xuất cảng nô lệ tình dục – lớn gấp bội sự ác do tất cả những thế lực khác hợp lại gây ra. Tôn giáo mà không còn khả năng chống ác hành thiện thì chẳng khác gì muối không còn vị mặn, hay như con mèo không còn khả năng bắt chuột, không còn lợi bao nhiêu cho dân chúng nữa. Thái độ im lặng hoặc thụ động trước sự ác đang hoành hành do chế độ gây ra của một số chức sắc tôn giáo là một thái độ vô trách nhiệm trước sự ác, là lỗi bổn phận đối với bản chất tôn giáo của mình. Những chức sắc còn lương tâm thiết tưởng không thể hành xử như vậy.

Trương Sĩ Lương: Sau một năm ở hải ngoại để vận động dân chủ, anh có nhận xét gì về tình trạng đấu tranh dân chủ ở hải ngoại?

Nguyễn Chính Kết: Là một người đấu tranh dân chủ trong nước, tôi rất biết ơn đồng bào Việt Nam hải ngoại vì đã khởi sự đấu tranh cho quê hương ngay từ khi đặt chân lên những miền đất tự do: đã từng lên tiếng thay cho chúng tôi, những người dân trong nước, khi chúng tôi không lên tiếng được về tình trạng bị mất hết tự do và nhân quyền ở trong nước& Và khi những tổ chức đấu tranh trong nước – như Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam – thành hình thì đồng bào đã tích cực ủng hộ và yểm trợ chúng tôi về tinh thần cũng như vật chất. Công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và sự yểm trợ của đồng bào hải ngoại cho cuộc đấu tranh trong nước đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Nếu không có những nỗ lực ấy, chắc chắn cuộc đấu tranh trong nước không thể được như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu các tổ chức đấu tranh ở hải ngoại đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn, tập trung lực lượng vào mục tiêu chính là chống cộng và đòi hỏi dân chủ, không triệt tiêu nỗ lực và uy tín của nhau, thì kết quả chắc chắn đã và sẽ lớn gấp 10, thậm chí gấp 100 lần hiện nay. Hiện nay, dường như chúng ta hành động không khác gì những con kiến khi tha một hạt gạo về tổ: thay vì cùng kéo hạt gạo về một hướng duy nhất là tổ của mình, thì chúng lại con thì kéo về phía trái, con về phía phải, con kéo ngang, con kéo dọc, nên có cả một thời gian hạt gạo đứng nguyên một chỗ hoặc chỉ di chuyển tới lui, qua lại một chút. Phải lâu lắm hạt gạo mới đi đúng hướng. Nhưng những con kiến kéo hạt gạo về đúng hướng phải thắng một lực kéo ngược lại của một số con kiến khác, khiến cho hạt gạo không đi nhanh được và có quá nhiều công sức bị phí phạn do bị triệt tiêu bởi công sức đi ngược chiều. Rất mong người Việt trong và ngoài nước mau đoàn kết. Thiết tưởng là con người, chúng ta phải khôn ngoan hơn loài kiến.

Thu Nga: Theo anh, tình trạng thiếu đoàn kết ấy là do đâu? Do bản tính của người Việt hay do yếu tố nào khác? Và muốn đoàn kết thì người Việt cần làm gì?

Nguyễn Chính Kết: Tình trạng thiếu đoàn kết là do bản tính chung của con người là kiêu căng và ích kỷ: cứ muốn mình hay đoàn thể của mình phải hơn người, muốn người khác hay đoàn thể khác phải suy nghĩ và hành động theo ý mình hay đoàn thể mình, nếu không thì mình đánh phá hay chụp mũ họ. Muốn đoàn kết thì phải thắng vượt được bản tính tự nhiên ấy. Ngoài ra, còn một lý do khác là đồng bào trong nước cũng như hải ngoại đều bị chế độ cộng sản tìm đủ mọi cách quỷ quyệt để chia rẽ, nên cần phải khôn ngoan để đừng mắc bẫy họ. Tôi thấy cần nhất là chúng ta đừng đánh phá lẫn nhau mà luôn luôn đặt đại cuộc và tinh thần đoàn kết lên trên mọi quyền lợi cá nhân và tập thể.

Chẳng hạn như khi có ai cùng chiến tuyến với mình vì hiểu lầm hay vì nóng nảy mà đánh phá hay hạ uy tín của mình, ta nên nhẫn nhịn. Hãy chấp nhận cá nhân mình bị thiệt hại hơn là để cho đại cuộc hay sự đoàn kết bị tổn thương. Việc này thật khó làm, nhưng nếu ta luôn luôn đặt đại cuộc lên trên hết, ta sẽ làm được dù khó khăn tới đâu. Hiện nay khá nhiều người tuy đã hy sinh được quyền lợi hay danh dự cá nhân cho quyền lợi hay danh dự tập thể; đó quả là một tiến bộ đáng khen. Tuy nhiên họ vẫn còn coi trọng danh dự và quyền lợi tập thể của mình hơn danh dự và quyền lợi của dân tộc. Vì thế, chúng ta vẫn còn chia rẽ khá trầm trọng khiến cho ngày chiến thắng độc tài vẫn còn khá xa vời.

Thu Nga: Chương trình của Saigon-Dallas Radio và SBTN đến đây xin kính chào tạm biệt quý khán thính giả, đồng thời xin cám ơn nhà báo TSL và GS Nguyễn Chính Kết.