Ký giả Ngọc Thủy
Phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Chính Kết

Báo Mõ San Francisco số Tân Niên 2008,
và Radio Tiếng Việt Mến Yêu, San Jose


Giáo sư Nguyễn Chính Kết, một trong những người đấu tranh cho tự do dân chủ của khối 8604 từ trong nước hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ. Giữa tháng Giêng đầu năm nay, ông trở lại lần thứ hai thăm Thung Lũng Hoa Vàng và có buổi họp mặt tiếp xúc cùng giới truyền thông báo chí và một số nhân sĩ trong cộng đồng Bắc Cali vào lúc 6:30 chiều thứ Sáu vừa qua tại nhà hàng Thành Được qua lời mời của ký giả Huỳnh Lương Thiện. Sau đây, Ngọc Thủy kính mời quý độc giả cùng theo dõi phần tâm tình của Giáo sư Nguyễn Chính Kết.

Ngọc Thủy: Xin anh cho biết, anh rời Việt Nam và vận động dân chủ ở hải ngoại được bao lâu rồi ?

GS Nguyễn Chính Kết: Tôi rời Việt Nam để qua Cambodge ngày 6/12/2006, và đã tới Hoa Kỳ ngày 20/12/2006 sau khi ở Cambodge 2 tuần. Tính đến nay, tôi đã ở hải ngoại được hơn một năm.

NT: Trong thời gian ấy, anh đã đi những đâu và đã gặp những ai?

GS. NCK: Tôi đã đến một số tiểu bang ở Hoa Kỳ, một số tỉnh bang ở Canada, và 5 nước Âu Châu. Đi tới đâu, tôi cũng tìm cách gặp cộng đồng người Việt và chính giới tại đó để nói về sự vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN và công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của người dân trong nước, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của người Việt hải ngoại và chính giới mà tôi gặp.

NT: Anh có thể cho biết rõ, chính giới mà anh đã gặp là ở cấp nào?

GS. NCK: Khi tới một quốc gia, tôi thường được giới thiệu để gặp cấp bộ trưởng, thượng nghị sĩ, dân biểu, thị trưởng, hoặc những vị cố vấn hay phụ tá của những vị này… Thỉnh thoảng tôi cũng được gặp cùng một lúc nhiều vị trong bộ ngoại giao hoặc quốc hội của nước ấy…

NT: Anh thấy họ có quan tâm nhiều đến vấn đề anh trình bày không?

GS. NCK: Tôi nghĩ rằng họ quan tâm và cảm thấy thích thú khi nghe tôi nói. Điều rõ ràng nhất là họ thường tiếp tôi lâu hơn số thời gian họ dự định trước đó, đôi khi gấp rưỡi hoặc gấp đôi thời gian dự định. Có nhiều vị nói rõ ràng rằng họ cảm thấy thích thú về buổi nói chuyện với tôi.

NT: Họ có hứa hẹn gì với anh không?

GS. NCK: Với những đề nghị của tôi liên quan đến chính sách quốc gia, như đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC, viện trợ cho Việt Nam cần đi đôi với điều kiện thực thi nhân quyền, v.v… thì họ chỉ hứa là sẽ đưa vấn đề ra bàn thảo với quốc hội, với cấp trên hoặc với người đồng sự của họ thôi. Điều ấy dễ hiểu, vì cá nhân một bộ trưởng đâu có thẩm quyền để quyết định một điều lớn như thế… Tuy nhiên, những việc có thể làm được với tư cách cá nhân, thì họ có thể hứa như họ hứa sẽ lên tiếng can thiệp khi tôi về nước mà bị bắt hay bị quản chế… Khi tôi ở Na Uy thì lúc ấy cũng có phái đoàn CSVN đến để làm việc việc bộ ngoại giao ở đấy, ông thứ trưởng bộ ngoại giao cho biết là ngay khi gặp tôi xong là ông sẽ gặp phái đoàn của CSVN. Ông hứa là sẽ đem những vấn đề của tôi ra đối chất với phái đoàn của bộ ngoại giao CSVN.

NT: Theo anh, chính giới các nước anh đến có biết nhiều về việc vi phạm nhân quyền của CSVN và cuộc tranh đấu ở quê nhà không?

GS. NCK: Họ biết khá nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng chưa biết đủ nên họ đã hỏi tôi khá nhiều điều, tôi biết những giải đáp khiến họ khá thỏa mãn. Nhiều điều tôi nói ra thì họ cũng đã biết, nhưng tôi nghĩ họ vẫn muốn tôi nói ra với tư cách nhân chứng từ trong nước.

NT: Anh đánh giá thế nào về những việc anh đã làm được ở hải ngoại?

GS. NCK: Tự đánh giá về mình thì không tránh được tính chủ quan. Tuy nhiên tôi có thể chắc chắn điều này là thời gian ở ngoài này tôi đã làm được nhiều việc ích lợi cho cuộc tranh đấu hơn là nếu cũng thời gian đó tôi còn ở trong nước.

NT: Xa nhà lâu như thế, anh có nhớ vợ con, gia đình không?

GS. NCK: Nhớ chứ, rất nhớ nữa là khác, vì gia đình tôi là một gia đình rất đầm ấm và hạnh phúc. Phải nói là tôi rất thành công trong đời sống gia đình. Khi quyết định ra đi, tôi nói với gia đình rằng tôi sẽ đi ba tháng, thì các con tôi nói: "Tụi con không chịu đâu, bố chỉ được đi một tháng thôi!" Càng ở lại lâu thì càng nhớ nhiều, càng mong sớm có thể về. Tôi nhớ vợ nhớ con lắm, nhưng tôi biết biết vợ con tôi còn nhớ tôi hơn rất nhiều và rất mong tôi về. Tuy nhiên, nghĩ đến chuyện tôi về là có thể bị tù thì vợ con tôi lại khuyên tôi chưa nên về vội. Đức Phật nói: "ái biệt ly khổ", nghĩa là yêu thương nhau mà phải xa cách là một nỗi khổ. Nỗi khổ này cũng lớn không kém nỗi "oán tắng hội khổ", nghĩa là ghét nhau mà vẫn phải sống chung với nhau. Gia đình tôi vừa phải sống xa cách nhau, vừa phải lo đối phó với những kẻ luôn tìm cách bách hại mình, nên cả tôi và gia đình tôi đều có chung những nỗi khổ ấy. Nhưng một khi đã tự nguyện chấp nhận thì những nỗi khổ ấy cũng giảm đi rất nhiều.

NT: Anh vận động dân chủ ở hải ngoại tương đối rất mạnh mẽ thì gia đình anh bên nhà có bị khó dễ gì không?

GS. NCK: Vợ và con gái tôi bị công an mời "làm việc" trong hai tháng đầu khi tôi qua đây, vì họ muốn dùng gia đình tôi để làm áp lực với tôi bên này. Họ nhờ vợ con tôi khuyên tôi hãy đến trình diện tại tòa đại sứ hay lãnh sự Việt Nam ở bên này, đừng nói điều gì bất lợi cho chế độ CSVN và hãy xin tị nạn để ở luôn bên này, đừng về nữa. Nếu không làm như thế mà về nước thì sẽ bị kết tội rất nặng. Nhưng tôi đã hoàn toàn làm ngược lại ý họ, nên sau đó họ đã ra lệnh truy nã tôi, dù biết tôi đang ở bên này thì có truy nã cũng vô ích. Vì thế, việc truy nã chỉ có mục đích duy nhất là gây hoang mang cho gia đình tôi đồng thời đe dọa tôi ở bên này. Nhưng tôi và gia đình không hề tỏ ra nao núng.

Cách đây hai tháng, công an có đến nhà đòi kiểm tra nhà và tịch thu hộ khẩu. Họ nói họ sẽ cắt hộ khẩu tôi vì tôi đã xuất ngoại được một năm mà không trình báo (thực ra vợ tôi đã trình báo một hai ngày ngay sau khi tôi rời khỏi nhà). Tôi chờ họ trả lại hộ khẩu để biết chắc chắn họ đã cắt mới lên tiếng phản kháng. Nhưng sau ba tuần, họ trả lại hộ khẩu mà tên tôi vẫn chưa bị cắt khỏi sổ hộ khẩu. Điều đó có nghĩa là họ muốn cắt nhưng xét kỹ thấy không có lợi, vì biết có cắt tôi cũng bất cần. Có gây thêm khó khăn cho tôi thì họ chỉ tự chứng tỏ cho thế giới và nhân dân Việt Nam thấy tính tiểu nhân và ác độc của họ thôi, đồng thời việc làm bất nhân của họ chỉ làm tôi và gia đình tôi bất mãn và đấu tranh mạnh mẽ hơn thôi. Còn về phía tôi và gia đình thì đều sẵn sàng chấp nhận tất cả.

NT: Như vậy là gia đình anh luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của anh?

GS. NCK: Phải. Vợ con tôi luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của tôi. Điều đó được tỏ ra bằng nhiều hành động can đảm cũng như thái độ bất khuất của vợ và con gái tôi trước những đe dọa của họ. Chính tôi cũng không ngờ và phải cảm phục vợ con mình vì sự sẵn sàng chấp nhận đau khổ và thua thiệt gây ra do có một người chồng người cha tranh đấu như tôi. Trong những cuộc phỏng vấn của các báo đài, vợ con tôi luôn tỏ ra sẵn sàng đứng đằng sau lưng tôi và luôn chấp nhận để tôi dấn thân hy sinh cho đất nước.

NT: Đa số phụ nữ đều không muốn chồng hoặc cha mình lao vào những công cuộc nguy hiểm như vậy. Bởi đâu mà cả vợ và con anh đều dám chấp nhận như vậy?

GS. NCK: Tôi nghĩ rằng trước tiên tôi phải làm sao để vợ con tôi luôn cảm thấy tôi đã ưu tiên yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho gia đình hơn tất cả mọi người đã. Một khi họ cảm thấy được yêu thương đầy đủ thì họ mới sẵn sàng chấp nhận cho tôi hy sinh vì người khác. Tôi chắc chắn rằng vợ con tôi cảm thấy tôi luôn luôn hết lòng vì gia đình qua những hành động thực tế của tôi. Điều thứ hai là tôi phải thường xuyên chia sẻ với gia đình nỗi ưu tư, trăn trở của tôi đối với thảm trạng của đất nước hiện nay, và tạo cho họ ý thức trách nhiệm đối với xã hội và đất nước. Tôi thường chia sẻ điều này trong các bữa ăn chung gia đình.

NT: Vậy có nghĩa là anh yêu thương gia đình anh hơn tổ quốc?

GS. NCK: Con gái tôi cũng đã đặt vấn đề này với tôi. Khi tôi dẫn vợ con tôi đi chơi ở công viên Đầm Sen, tới một bãi cỏ có hình bản đồ Việt Nam làm bằng những cây hoa vàng trồng giữa bãi cỏ, tôi chỉ hình bản đồ Việt Nam và nói với các con: "Đây là người yêu của bố đấy!" Con gái tôi liền hỏi: "Thế bố có yêu tụi con hơn người yêu của bố không?" Tôi trả lời: "Bố phải yêu đất nước Việt Nam hơn tụi con chứ!" Con gái tôi phản đối: "Con không chịu đâu, bố phải yêu tụi con hơn đất nước Việt Nam cơ!" Tôi giải thích: "Xét về mặt cá nhân, bố yêu tụi con hơn bất kỳ ai trên đất nước Việt Nam này, bố yêu gia đình mình hơn bất cứ gia đình nào khác ở Việt Nam. Nhưng xét về mặt tập thể, bố không thể yêu gia đình mình chỉ gồm có bốn người hơn đất nước Việt Nam gồm những 80 triệu người được. Bố phải yêu 80 triệu dân hơn 4 người trong gia đình chứ! Bố cũng mong tụi con yêu đất nước mình như vậy, yêu hơn cả bố và mẹ nữa!" Hai đứa con của tôi tỏ ra hài lòng về câu trả lời của tôi. Tôi cũng muốn dùng câu chuyện ấy để trả lời cô!

NT: Anh có bao giờ có ý định xin tị nạn ở bên này không?

GS. NCK: Chưa bao giờ. Tôi muốn về nước để tiếp tục tranh đấu, vì ở trong nước mà tranh đấu thì thường hữu hiệu hơn ở ngoài này. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nếu tôi về nước thì tôi cũng sẽ bị CSVN bắt vào tù như Lm Nguyễn Văn Lý, Ls Nguyễn Văn Đài, Ls Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hoặc bị quản chế như Lm Phan Văn Lợi, Ks Đỗ Nam Hải… Nên hiện nay tôi có về thì cũng chưa làm được gì ích lợi hơn là ở bên này. Tôi nghĩ nếu ở lại đây một thời gian nữa, với tư cách một người tranh đấu ở trong nước vận động tại hải ngoại, tôi có thể làm thêm một số việc cần thiết và ích lợi nữa mà nếu về nước thì tôi sẽ không thể làm được.

NT: Khi mới sang đây, anh tuyên bố là sau 3 tháng anh sẽ về. Thế mà bây giờ đã hơn một năm rồi anh chưa về. Nếu anh ở lại thêm một thời gian nữa, sẽ có người cho rằng anh làm không đúng điều đã nói trước đây, và họ sẽ không còn tin tưởng nơi anh nữa. Anh nghĩ sao?

GS. NCK: Đành phải chấp nhận vậy thôi. Những người không dấn thân nhiều vào việc tranh đấu này thì không hề gặp những cảnh ngộ giống như tôi, nên họ không thông cảm được thì đó là chuyện dễ hiểu và tôi đành phải chấp nhận. Khi mới sang đây, tôi chưa biết tôi phải làm gì và có thể làm gì được ở bên này. Lúc đó tôi nghĩ mình chỉ làm được một vài việc và hễ làm xong thì tôi về. Nhưng ở bên này một thời gian, tôi thấy tôi có thể làm được nhiều việc hơn tôi tưởng ban đầu, và những việc tôi làm được thì mọi người đều đã thấy. Bây giờ tôi lại khám phá ra một số việc rất quan trọng mà đúng lý ra tôi đã phải làm, nhưng quả thật nếu tôi làm sớm hơn thì có thể không thành công, vì lúc ấy tôi chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm về tình hình ở hải ngoại để làm thành công việc ấy. Nếu có làm thì có thể đã thất bại, mà một khi đã thất bại thì khó có thể làm lại được. Có thể tôi sẽ phải ở lại thêm một thời gian nữa để có một credit xứng đáng trước khi về. Việc bị hiểu lầm thì phải chấp nhận thôi. Có một nhà tranh đấu thật sự nào lại sợ bị hiểu lầm đến nỗi từ chối không làm những việc cần thiết và ích lợi mà mình có thể làm và phải làm đâu! Thời gian sẽ làm cho những người đã hiểu lầm tôi không còn hiểu lầm nữa. Vả lại trong cuộc tranh đấu đầy phức tạp và gian nan này, có mấy ai tranh đấu mà không bị người đời hiểu lầm đâu!

NT: Việc mà anh sắp làm chắc là anh chưa muốn nói ra?

GS. NCK: Đúng thế! Tuyên bố trước mà làm không được thì chỉ làm mồi cho người đời đàm tiếu thôi!

NT: Vâng, Ngọc Thủy xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Chính Kết đã trả lời những câu hỏi nêu trên. Kính chào tạm biệt GS, xin mến chúc anh luôn dồi dào sức khỏe và bình an, may mắn trên bước đường tranh đấu tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam hiện giờ. Ước mong lời nguyện cầu của mọi con dân nước Việt chúng ta sớm có niềm vui tin yêu trong năm mới 2008 tràn đầy hy vọng này.






________________________________________________________________________