NCKvechuyendiMy

Giáo sư Nguyễn Chính Kết trả lời phỏng vấn RFA về chuyến đi Mỹ

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview_with_professor_NguyenChinhKet_DHieu-20061227.html
2006-12-27
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
Giáo sư Nguyễn Chính Kết, một nhà hoạt động và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đã đến California, Hoa Kỳ từ gần một tuần nay. Trong buổi phát thanh trước, đài Á Châu Tự Do đã gởi đến quý thính giả bài tường thuật cuộc họp báo do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Westmister, để giáo sư Kết có dịp tiếp xúc với báo chí và đồng hương.
Hôm nay, phóng viên Đỗ Hiếu của Ban Việt Ngữ chúng tôi trao đổi thêm với Giáo sư Nguyễn Chính Kết chung quanh chuyến đi Mỹ bất ngờ của ông cũng như những mục tiêu tranh đấu của các nhà dân chủ trong nước.
Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư Nguyễn Chính Kết, trước hết xin ông cho biết cảm tưởng của ông sau khi đến Hoa Kỳ và đã gặp gỡ, sinh hoạt với cộng đồng người Việt hải ngoại?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Tôi rất vui mừng khi đặt chân tới Hoa Kỳ và đã cảm nhận được tình thương của cộng đồng người Việt tại Mỹ đối với tôi.
Mọi người đã tỏ ra quý mến tôi và đã đặt ra nhiều câu hỏi để giải tỏa những thắc mắc của họ về chuyến đi Mỹ bất ngờ của tôi. Họ đã có vẻ hài lòng về những điều tôi trả lời.
Đỗ Hiếu: Thưa giáo sư, trong cuộc phỏng vấn dành cho một đài phát thanh Việt Ngữ ở hải ngoại trước đây, ông có nói rằng, bản thân mình cũng nhát, nhưng ông không hèn. Xin ông giải thích rõ thêm về quan điểm này?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Nhút nhát hay không nhút nhát là một đặc tính tự nhiên của con người. Ngay từ lúc mới sinh ra, có người rất mạnh bạo và có người sinh ra vốn sợ sệt, không dám làm nhiều việc.
Cái đó thuộc về bản tính tự nhiên của mỗi người. Còn hèn thì thuộc về luân lý.
Một người có tính nhát vẫn có thể không hèn, khi mà họ dám vượt qua được cái bản tính nhát của mình để mà hành xử theo đúng lương tâm của mình.
Rất có thể, một người có bản tính mạnh bạo hơn vẫn có thể hèn khi họ không dám làm theo lương tâm của mình, mà phải làm theo những cái gì đe dọa quyền lợi hay mạng sống của mình.
Đỗ Hiếu: Cũng trong cuộc trao đổi hôm đó, giáo sư có nói rằng ông chấp nhận hy sinh ngay cả mạng sống của mình, vì nỗi khổ đau của mình không thấm vào đâu so với sự đau thương của dân tộc Việt Nam? Ông có thể nói rõ hơn về sự so sánh ấy?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Hiện nay tôi đã chứng kiến rất nhiều người dân Việt phải chịu cảnh đau khổ, vợ mất chồng, cha mất con. Ngoài ra còn có bao nhiêu người bị tra tấn bị giết hại.
Tất cả những gì tôi phải chịu đựng từ trước đến giờ và tôi cũng tưởng tượng những gì sẽ xảy ra cho tôi trong tương lai, mà tôi gặp phải vì cuộc dấn thân này.
Những đau khổ cá nhân đó không thắm vào đâu so với nổi khổ đau mà bao nhiêu người hay cả dân tộc Việt Nam phải gánh chịu hiện nay.
Đỗ Hiếu: Trước khi chia tay, ông có điều gì muốn chia sẻ với quý thính giả của đài chúng tôi?
Giáo sư Nguyễn Chính Kết: Hiện đang còn là tuần lễ Giáng sinh, kỷ niệm ngày Đức Chúa Giê-su xuống trần gian để cứu độ nhân loại, tôi muốn nói lên sự chia sẻ tình thương của Đức Chúa Giê-su đối với con người.
Tôi cảm thấy trong cuộc đấu tranh này, cần có rất nhiều người có tình thương để sẵn sàng hy sinh cho đồng loại của mình. Nếu có tình thương thì con người sẽ vượt qua sự sợ hải.
Nếu dân tộc Việt Nam có những người yêu nước thật sự, thì sẽ có rất đông người dám hy sinh cho tổ quốc của mình, nhờ đó nước Việt sẽ tươi đẹp và hạnh phúc hơn, nhờ những sự hy sinh cao cả đó.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn giáo sư Nguyễn Chính Kết, chúc ông an bình may mắn.

Theo dòng thời sự:

- Tường trình cuộc họp báo của Giáo sư Nguyễn Chính Kết tại California
- Giáo sư Nguyễn Chinh Kết từ Sài Gòn sang Cali gặp gỡ đồng bào hải ngoại
- Tình trạng hiện nay của những thành viên khối dân chủ 8406
- Đại sứ Michael Marine: Hà Nội nên có thái độ cởi mở hơn đối với những người đối lập